Khơi thông các nguồn lực cho phục hồi kinh tế

2022-07-26 05:40:30   Bản in   Email   Lượt xem: 22

Quý III-2022, chỉ 15% doanh nghiệp (DN) dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý II. Có tới 49,2% DN đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên và 35,8% DN dự báo kinh doanh ổn định. Ðây là kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III-2022 của Tổng cục Thống kê. Những con số này phản ánh, DN đang tận dụng khá tốt các cơ hội, nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng muốn giữ vững đà phục hồi kinh tế cần khơi thông các nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là cơ chế tài chính, tiền tệ.


 

Lãnh đạo TP Cần Thơ thăm Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương (KCN Thốt Nốt). Ảnh: MINH HUYỀN

Tiếp thêm niềm tin cho DN

Theo Tổng cục Thống kê, nhận định về xu hướng quý III-2022, khu vực DN ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 85,5% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định so với quý II; khu vực DN FDI và DN Nhà nước tỷ lệ dự báo này ở lần lượt là 84,3% và 82,4%. Trước đà phục hồi khá tốt, nhu cầu thị trường tăng, nên quý III có 48,1% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng và 13,7% số DN dự báo giảm và 38,2% DN nhận định sẽ ổn định so với quý II. Về đơn đặt hàng, có 44,9% DN dự kiến có đơn hàng tăng lên; 41,3% số DN cho rằng đơn hàng ổn định và 13,8% DN dự kiến đơn hàng giảm. Về thị trường xuất khẩu, có 38,8% DN dự báo tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 14,5% DN dự kiến giảm và 46,7% DN dự báo ổn định...

Trong 6 tháng đầu năm nay, cùng với triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, các bộ, ngành và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có đà phục hồi tốt, bức tranh kinh tế sáng hơn với sự tăng trưởng dương đồng đều của 3 khu vực kinh tế. GDP 6 tháng cả nước tăng 6,42% cao hơn so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 (tăng 5,74%) và cao hơn tốc độ tăng 2,04% của cùng kỳ năm 2020. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, vừa tạo động lực tái khởi động, tái sản xuất kinh doanh nhờ vào các nguồn lực hỗ trợ cho DN (miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, thời hạn trả nợ, cho vay mới...). 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 790/QÐ-TTg ngày 3-7-2022 thành lập Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành. Ðiều này cho thấy sự quyết tâm của Trung ương trong việc phân công, phân nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo đảm nhận các vai trò theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ cho phục hồi kinh tế. Ðồng thời Ban có nhiệm vụ báo cáo tình hình hoạt động của Ban đến Thủ tướng Chính phủ, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ðiều này cũng tiếp thêm động lực, củng cố niềm tin cho cộng đồng DN, người dân cùng chung sức thúc đẩy sự phát triển.

Khơi thông dòng chảy vốn

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, quý III, kinh tế - xã hội vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, nên sẽ chịu tác động của tình hình chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với đó, kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, lạm phát đang cao ở nhiều quốc gia trên toàn cầu… Vì vậy, cần sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, DN và người dân trong việc giữ vững đà phục hồi kinh tế. Ðồng thời, các ngành, các cấp tăng cường dự báo, điều hành linh hoạt, chủ động cung cấp thông tin cho DN, người dân để có kế hoạch đúng, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các bất cập phát sinh. Một trong những giải pháp quan trọng nữa là chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ DN, các cơ sở kinh doanh tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 6-2022, tổng huy động vốn của các TCTD tăng hơn 3,97% (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,13%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng kỳ tăng 5,4%). NHNN chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán,... nhưng đồng thời cũng yêu cầu nới rộng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên để tạo điều kiện cho DN, cơ sở sản xuất hấp thụ các nguồn vốn lãi suất thấp; đặc biệt là chương trình hỗ trợ 2% lãi suất, nhằm giảm áp lực chi phí vốn cho DN.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Triển khai chương trình hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NÐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20-5-2022 của NHNN, hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất, Chi nhánh đã tổ chức 3 buổi quán triệt triển khai thực hiện và công tác báo cáo trên địa bàn Cần Thơ. Ngoài ra, Chi nhánh đã làm việc trực tiếp với Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN và tìm giải pháp triển khai hiệu quả. Các TCTD trên địa bàn đều chủ động xây dựng phương án, đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, thông suốt, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, thực hiện cắt giảm chi phí, lợi nhuận tập trung cho việc giảm lãi suất cho vay và cho vay mới hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo ông Hà, Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh; đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch, giải pháp xử lý nợ xấu của TCTD. Cạnh đó, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng hiệu quả, chủ động, linh hoạt. Chính sách, hạn mức tín dụng không phân chia theo địa bàn tỉnh thành phố, mà tùy theo khả năng hấp thụ vốn và hội sở của các ngân hàng thương mại phân cho chi nhánh chỉ tiêu tăng trưởng. Tại TP Cần Thơ, tổng dư nợ cho vay đến ngày 30-6-2022 là 136.152 tỉ đồng, tăng 12,88% so với cuối năm 2021 và đã gần chạm mức chỉ tiêu kế hoạch năm. Nhưng không có nghĩa là địa bàn hết hạn mức tín dụng, mà các TCTD vẫn đang tiếp tục mở rộng tín dụng, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nguồn: Báo Cần Thơ