Ứng dụng công nghệ làm sạch rác thải trên sông Cần Thơ

2022-05-11 07:47:07   Bản in   Email   Lượt xem: 28

Trong khuôn khổ hợp tác triển khai toàn cầu giữa The Ocean Cleanup (Tổ chức làm sạch đại dương) của Hà Lan và Coca - Cola, sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để thử nghiệm làm sạch và đánh giá công nghệ ngăn chặn rác thải nhựa đổ ra đại dương.


Trong khuôn khổ hợp tác triển khai toàn cầu giữa The Ocean Cleanup (Tổ chức làm sạch đại dương) của Hà Lan và Coca - Cola, sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để thử nghiệm làm sạch và đánh giá công nghệ ngăn chặn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Sau thời gian thử nghiệm, dự án đã chính thức bàn giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ để đưa vào vận hành và góp phần tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường trên các tuyến sông của thành phố.

 

Hiệu quả bước đầu

 

Hệ thống Interceptor 003 được lắp đặt trên sông Cần Thơ đoạn gần cầu Quang Trung đã đi vào vận hành từ tháng 12-2021.

 

Theo ông Leonardo Goarcia, Tổng Giám đốc Coca - Cola Việt Nam và Cambodia, là tập đoàn toàn cầu, Coca - Cola nỗ lực để tất cả các bao bì thải ra của công ty được thu gom và tái chế. Vì thế, từ năm 2021, Công ty chính thức trở thành đối tác hợp tác đầu tiên và toàn cầu với The Ocean Cleanup để triển khai 15 dự án làm sạch sông ngòi trên thế giới trong đó có sông Cần Thơ của Việt Nam. Dự án này là một phần quan trọng thuộc chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” mà Coca - Cola đang nỗ lực.

 

Cũng như các tỉnh, thành phố khác trong vùng, TP Cần Thơ có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Trong đó, sông Hậu (một nhánh của sông Mekong) và sông Cần Thơ là hai con sông lớn chảy qua thành phố. Bên cạnh những nỗ lực về thu gom, xử lý chất thải rắn, thành phố vẫn còn tồn tại một số lượng rác thải bị vứt xuống sông, kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ mỹ quan đô thị. Rác từ các dòng sông, kênh rạch sẽ trôi ra biển.

 

Được The Ocean Cleanup nghiên cứu, công bố vào năm 2019, Interceptor là giải pháp công nghệ đầu tiên có khả năng triển khai trên diện rộng để ngăn chặn rác thải từ sông ngòi đổ ra đại dương. Hệ thống lắp đặt tại TP Cần Thơ là Interceptor 003 được hạ thủy trên sông Cần Thơ để chạy thử nghiệm vào tháng 12-2021. Interceptor 003 có chiều dài gần 25m, ngang hơn 8m, phần mái được lắp các tấm pin năng lượng mặt trời để phục vụ vận hành. Nhờ tận dụng thủy triều và dòng chảy, rác thải được gom vào hệ thống lưới chắn đưa về phía băng tải lắp đặt sẵn trên tàu Interceptor 003. Lúc này, băng tải vận hành bằng năng lượng mặt trời sẽ chuyển động để đưa rác đến 6 thùng chứa lắp đặt trên tàu, mỗi thùng có thể tích 8m3. Khi thùng chứa rác đầy sẽ có sà lan đến thu gom, chuyển vào bờ để đưa về nhà máy xử lý. Kể từ khi đi vào vận hành thử nghiệm, Interceptor 003 đã dọn sạch khoảng 10 tấn rác thải mỗi tháng và theo thiết kế, hệ thống có thể đạt công suất 50 tấn/ tháng.

 

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Qua nhiều lần trao đổi, làm việc với Tổ chức The Ocean Cleanup, chúng tôi nhận thấy đây là dự án cấp thiết góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên các dòng sông. Dự án đã phát huy hiệu quả rất tốt, góp phần làm sạch rác thải trên sông và hạn chế rác thải trôi ra biển, góp phần làm sạch môi trường biển. Du khách đến Cần Thơ tham quan du lịch sông nước và được giới thiệu về dự án đều đánh giá cao kết quả hoạt động của dự án.

 

Nhân rộng mô hình

Đánh giá về ưu thế của hệ thống Interceptor 003, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chia sẻ: Vận hành thông minh, thân thiện với môi trường là ưu điểm vượt trội của hệ thống Interceptor 003. Vấn đề quan trọng tiếp theo là cần tiếp tục nghiên cứu vị trí đặt hệ thống này từ các dòng sông có nước triều lên, triều xuống khác nhau. Từ đó, kết hợp các giải pháp thiết thực để mô hình này có thể nhân rộng và ứng dụng ở nhiều nơi của Việt Nam.  

 

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Hệ thống Interceptor 003 không chỉ giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt mà còn góp phần vào việc phát triển và quảng bá du lịch sông nước của TP Cần Thơ. Đồng thời, cũng góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố sinh thái, văn minh hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL. Do đây là dự án mới, thí điểm đầu tiên ở Việt Nam nhưng các cấp lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và kịp thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Tổ chức The Ocean Cleanup từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện thành công dự án. Thành phố sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực nhân rộng các dự án bảo vệ môi trường nhiều hơn nữa, góp phần giữ vững danh hiệu “Thành phố bền vững môi trường ASEAN lần thứ 5” mà TP Cần Thơ vừa vinh dự nhận được tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 16 vào năm 2021.

 

Ông Boyan Slat, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của tổ chức The Ocean Cleanup, chia sẻ: “Sứ mệnh của The Ocean Cleanup là loại bỏ rác thải nhựa trên các đại dương. Mục tiêu đặt ra là triển khai hệ thống này trên 1.000 con sông. Khi đạt đến số lượng này chúng ta ước tính có thể kiểm soát 80% lượng rác thải chảy ra đại dương. Việc nhân rộng hệ thống ở nhiều nơi tùy điều kiện thực tế để tối ưu hóa khả năng vận hành của hệ thống. Do đó, khi hệ thống được vận hành tại TP Cần Thơ sẽ là bài học kinh nghiệm để các địa phương khác có thể học tập và làm cơ sở để chúng tôi mở rộng phạm vi dự án ở nhiều nơi trên thế giới.”