Nữ doanh nhân Khmer đưa vị ngọt vùng Bảy Núi (An Giang) đến với bạn bè quốc tế

2022-06-04 05:11:38   Bản in   Email   Lượt xem: 51

Với mong muốn xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con Khmer vùng Bảy Núi, chị Chau Ngọc Dịu (sinh năm 1982, quê huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đang lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định bỏ phố về quê nhà để xây dựng thương hiệu, mở rộng sản xuất, nâng chuỗi giá trị đường thốt nốt; đồng thời, hỗ trợ đồng bào Khmer vùng Bảy Núi tiếp tục giữ gìn và phát huy sản phẩm truyền thống đặc trưng của dân tộc


Tốt nghiệp đại học ngành tài chính kế toán năm 2004, thời gian đầu Chau Ngọc Dịu cũng nhiều bạn bè đồng trang lứa mong muốn ở lại TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Trong một lần về quê nhà vùng Bảy Núi, Dịu được bạn bè gửi mua đặc sản của địa phương nhưng phải là loại đường thốt nốt ngon, nguyên chất, không có chất phụ gia. Thế nhưng, qua tìm kiếm cũng như dò hỏi từ nhiều người quen, cô gái trẻ nhận ra không có loại đường thốt nốt nào sánh được loại đường nấu theo phương pháp truyền thống mà gia đình Dịu vẫn làm để dùng, từ hương lẫn vị. Sau chuyến trở về quê nhà lần đó, cô gái trẻ quê vùng Bảy Núi nảy sinh mong muốn xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con Khmer.

 


Bỏ phố về quê lập nghiệp

Tháng 6/2017, Dịu cùng một vài người bạn hùn vốn thành lập Công ty Cổ phần Palmania có trụ sở ban đầu đặt tại TP. Hồ Chí Minh do Dịu Tổng Giám đốc sản xuất, với kỳ vọng tìm lại và vực dậy sản phẩm mật đường thốt nốt sệt được sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống với tiêu chuẩn phải đảm bảo nguyên chất, sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Không chỉ mong muốn cung cấp và nâng tầm sản phẩm đường thốt nốt của quê hương An Giang, Dịu còn mong muốn góp phần thực hiện trách nhiệm xã hội giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh An Giang tiếp tục giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống, đồng thời gia tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 


Sau 2 năm thành lập, Dịu quyết định “bỏ phố” đưa công ty về quê đặt tại nhà tại thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Được gia đình đồng thuận, Diụ càng quyết tâm xây dựng thương hiệu, mở rộng sản xuất, nâng chuỗi giá trị đường thốt nốt, đồng thời hỗ trợ đồng bào Khmer vùng Bảy Núi tiếp tục giữ gìn và phát huy sản phẩm truyền thống đặc trưng của dân tộc.

 

Để có nguyên liệu đầu vào bảo đảm chất lượng, Chau Ngọc Dịu đã phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là việc thuyết phục các hộ Khmer sản xuất theo quy trình mới nghiêm ngoặt với kỹ thuật bảo đảm giữ nguyên hương vị truyền thống mà không dùng đến chất bảo quản hay phụ gia nào khác. Rồi yêu cầu đó cũng được đáp ứng, bởi giá trị của mật đường mà các hộ đồng bào bán cho Công ty cao từ 3 - 4 lần so với bán sô ngoài chợ.

 

Khát vọng đưa sản phẩm ra quốc tế

Dịu chia sẻ sẻ, bản thân muốn tạo ra một sản phẩm đặc trưng cho quê hương mang đậm sắc thái của dân tộc Khmer vùng Bảy Núi nên việc chọn tên cho sản phẩm Palmania cũng phải tham vấn cùng với các vị sư tại các chùa trên địa bàn.

 



Theo Ngọc Dịu, từ “Pal” trong tiếng Khmer có nghĩa là cây cọ, “mania” có nghĩa là đam mê. Sự đam mê này còn là khát vọng của của đồng bào muốn đưa sản phẩm làm từ loại cây chỉ mọc và sống trong thiên nhiên sau 20 năm mới cho thu hoạch nguồn nước từ cuốn bông của cây, rồi đem nấu lên sệt keo như mật và chế biến thành đường. Từ nguyên liệu quý hiếm trong thiên nhiên, Dịu và công ty quyết tâm chế biến và đưa sản phẩm đặc sản này đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, với danh nghĩa là một loại thực dưỡng tốt cho sức khỏe, cũng là một nghĩa cử tri ân của đồng bào vùng Bảy Núi.

 

Phân tích về thành phần dinh dưỡng vượt trội của đường thốt nốt vùng Bảy Núi, Dịu cho biết: “Nếu như một số sản phẩm đường thốt nốt của các nước khác có hàm lượng vitamin B12 khoảng 20μg/100gr sản phẩm, thì đường thốt nốt Palmania đến từ vùng Bảy Núi có hàm lượng vitamin B12 lên đến 28,2μg/100gr sản phẩm. Điều đó có nghĩa là chỉ với 8,5gr đường thốt nốt Palmania đã có thể cung cấp đủ 100% lượng vitamin B12 cần thiết cho cơ thể trong 1 ngày. Sản phẩm cũng có chỉ số đường huyết thấp và là thực phẩm mang tính kiềm, nên được xem là một trong những chất tạo ngọt tự nhiên tốt nhất cho sức khỏe".

 


Nữ doanh nhân trẻ cũng cho biết, đường thốt nốt vừa đoạt Giải thưởng Great Taste Awards 2020 - 2 sao được tổ chức ở Anh. Đây được xem như là giải Oscar trong thế giới ẩm thực. Với giải thưởng này, sản phẩm mật thốt nốt bột Palmania trở thành thương hiệu mật thốt nốt bột thứ 3 trên thế giới đạt được chứng nhận 2 sao Great Taste Awards.

 

Chia sẻ về những dự tính sắp tới, nữ doanh nhân Chau Ngọc Dịu cho biết: “Tôi đang làm hồ sơ Fair Trade - Chứng nhận Thương mại công bằng (WFTO). Nếu thuyết phục được Hội đồng thẩm định, sản phẩm Palmania ghi điểm cộng ở các thị trường khó tính, khách hàng quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, mang yếu tố xã hội và cộng đồng. Tôi sẽ tham dự cuộc thi Chương trình “Phụ nữ khởi nghiệp ở Australia và Việt Nam: Xây dựng năng lực, tạo dựng mối quan hệ”. Cuộc thi được thiết kế nhằm tạo cơ hội cho 20 phụ nữ khởi nghiệp ở Việt Nam tham gia khóa đào tạo quốc tế, phát triển chuyên môn và kinh nghiệm, xây dựng năng lực cần thiết cho một nhà khởi nghiệp".

 

Bước vào giai đoạn mới, nữ doanh nhân kỳ vọng và mong muốn chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp sản xuất vì mục tiêu cộng động. Cụ thể như được vay vốn tín chấp phục vụ phương án kinh doanh, ưu đãi mở rộng sản xuất; được thuê đất mở nhà xưởng, trưng bày, quảng bá sản phẩm, ngành nghề truyền thống gắn với du lịch của địa phương, nhất là du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi của tỉnh.

 

Hiện Palmania có 2 dòng sản phẩm chính là mật thốt nốt sệt và mật thốt nốt bột. Sản phẩm hiện nay có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước. Palmania cũng đang xúc tiến để xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, châu Âu… Đây cũng là một trong những sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đợt đầu tiên của tỉnh An Giang.

 

Nguồn: tạp chí Thời Đại